Giải pháp ứng dụng đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt cá nổi ở vùng biển xa bờ được Công nhận tiến bộ kỹ thuật
Mới đây ( ngày 21/8), Tổng cục thủy sản – Bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn chính thức ban hành quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản cho “Giải pháp ứng dụng đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt cá nổi ở vùng biển xa bờ” của nhóm tác giả:Viện Hải dương - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Công nhận này là bằng chứng ghi nhận những nỗ lực của Rạng Đông trong việc nghiên cứu và hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc lĩnh thủy sản để đưa ra được giải pháp chiếu sáng chuyên dụng giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân.
Theo nghiên cứu, tập tính của cá bị tác động mạnh bởi ánh sáng. Ánh sáng trong đời sống của cá có ý nghĩa như là tín hiệu thức ăn, sự tạo đàn, định hướng di chuyển.…
Các nhà khoa học cũng đã phát hiện được đặc tính sinh học bị lôi cuốn đến vùng chiếu sáng của nhiều loài cá khác nhau: có loài cá thích ánh sáng trên tầng mặt, nhưng có loài thích ánh sáng trong lòng nước, có loài thích nguồn sáng di dộng trong nước.
Mỗi loại cá lại phản ứng với màu sắc ánh sáng khác nhau, cường độ chiếu sáng khác nhau, thời gian chiếu sáng, tốc độ di chuyển nguồn sáng khác nhau.... Mặt khác, tùy theo điều kiện thời tiết, nhiệt độ, sóng, nước trong, nước đục mà làm cho hiệu quả chiếu sáng khác nhau.
Đối với nghề lưới vây, việc khai thác chủ yếu là các loài cá nổi nhỏ sống gần bờ như cá nục, trích, bạc má,….
Hiệu quả đánh bắt lưới vây phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật sử dụng đèn, phương pháp bố trí đèn và điều khiển nguồn sáng, kích thước ngư cụ, kỹ thuật đánh bắt và ngư trường đánh bắt.
Do vậy để việc đánh bắt đạt năng suất cao, rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, nhà sản xuất với sự đầu tư nghiên cứu bài bản để phát triển ra nguồn sáng mới cũng như những giải pháp chiếu sáng hiệu quả phù hợp với điều kiện đánh bắt lưới vây của ngư dân Việt Nam.
Trước yêu cầu thực tế này, để khắc phục những nhược điểm của nguồn sáng cũ và nâng cao hiệu quả trong công tác khai thác hải sản bằng ánh sáng, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, mà nòng cốt là Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông đã hợp tác với các Viện, trường để nghiên cứu phát triển giải pháp chiếu sáng ngư nghiệp sử dụng nguồn sáng LED chuyên dụng.
Tháng 10/2015, Rạng Đông đã hợp với Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hải dương học Nha trang để thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng khai thác thủy sản xa bờ”. Kết quả Rạng Đông đã cho ra loại đèn LED đánh bắt cá chuyên dụng, phù hợp. Sản phẩm đã được các nhà khoa học thử nghiệm và đánh giá trên thực tế tại vùng biển Nha Trang – Khánh Hòa cho kết quả tốt đẹp.
Giải pháp chiếu sáng nghề lưới vây của Rạng Đông được Bộ khoa học công nghệ đánh giá là giải pháp tối ưu cho nghề lưới vây, đồng thời khuyến khích bà con ngư dân sử dụng.
Từ năm 2018, giải pháp này đã được áp dụng cho các ngư trường trên cả nước, được bà con ngư dân đánh giá cao về hiệu quả kinh tế mang lại.
Ngày 21/8/2020, Tổng cục thủy sản – Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn chính thức công nhận tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản cho “Giải pháp ứng dụng đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt cá nổi ở vùng biển xa bờ”.
Trong điều kiện đánh bắt cá bằng lưới vây vẫn còn nhiều khó khăn, thì những kết quả nghiên cứu khoa học này của Rạng Đông là hết sức có ý nghĩa và thiết thực cho sự phát triển của nghề khai thác thủy hải sản.
Quyết định công nhận tiến bộ kỹ thuật cho lĩnh vực thủy sản: Xem tại đây