Rối loạn nhịp sinh học là sự gián đoạn nhịp sinh học của một người, có tên gọi khác là "đồng hồ cơ thể" giúp điều chỉnh chu kỳ (khoảng) 24 giờ của các quá trình sinh học. Đây là các mô hình hoạt động sóng não, sản xuất hormone, tái tạo tế bào và các hoạt động sinh học khác liên quan đến chu kỳ 24 giờ này.
Thực tế, nhịp sinh học rất quan trọng trong việc sắp xếp giấc ngủ phù hợp. Đồng hồ sinh học bình thường được thiết lập bởi chu kỳ sáng - tối trong 24 giờ.
Một ví dụ điển hình của rối loạn nhịp sinh học là Jet Lag (là sự mệt mỏi xảy ra sau một chuyến bay dài) hay còn gọi là Hội chứng lệch múi giờ. Hội chứng này bao gồm các triệu chứng buồn ngủ quá mức và thiếu tỉnh táo vào ban ngày ở những người di chuyển qua nhiều múi giờ.
Hiện tại, rối loạn nhịp sinh học được điều trị dựa trên loại rối loạn được chẩn đoán. Mục tiêu của điều trị là điều chỉnh mô hình giấc ngủ của người bệnh vào một lịch trình, cho phép người đó đáp ứng nhu cầu lối sống của họ. Thông thường trị liệu sẽ kết hợp các kỹ thuật vệ sinh giấc ngủ thích hợp và liệu pháp kích thích bên ngoài, như liệu pháp ánh sáng.